Nhưng sớm bị san bằng Thành_Tân_Sở

Một số tác giả cho rằng vua Hàm Nghi lên Tân Sở vào ngày 10 tháng 7 năm 1885 [14], rồi ba ngày sau nhà vua ban Dụ Cần Vương. Lần thứ hai là khi trên đường ra Quảng Bình bằng đường hạ bạn ở đồng bằng thì nghe tin quân Pháp đón bắt ở Đồng Hới, Tôn Thất Thuyết phải đưa nhà vua về lại Tân Sở, rồi theo con đường thượng đạo để ra Bắc. Liền khi ấy, quân Pháp tràn cướp phá và san bằng Sơn phòng này.

Lý giải vì sao thành Tân Sở nằm ở địa thế hiểm trở, có núi non trùng điệp, có đường xuyên thông sang Lào và ra Bắc Kỳ, lại có những kho thóc cất giữ kín đáo...[15] nhưng không thể ở được dài lâu, nhà sử học Phạm Văn Sơn viết:

..."Tôn Thất Thuyết sở dĩ phải bỏ Tân Sở, vì có tới đây ông mới thấy vùng Cam Lộ có nhiều điều bất lợi, bởi không đông dân chúng và ít trù phú, việc tuyển mộ lính tráng sẽ khó khăn, việc tiếp vận quân lương, vũ khí sẽ bế tắc nốt...Ngoài ra, nếu quân Pháp chiếm đóng Cam Lộ, Tân Sở sẽ thành cái túi mà miệng túi đã đóng rồi, các lối ra biển, lên Lào, vào Nam, ra Bắc đều sẽ bất tiện. Chính vì vậy, ông Thuyết muốn đem vua đi Nghệ Tĩnh, là nơi có thể làm trung tâm lâu dài cho cuộc kháng chiến... Xét ra vua Hàm Nghi ở Tân Sở chỉ độ 4 hay 5 ngày"...[16]

GS. Trần Văn Giàu có những nhận xét tương tự:

"Từ Quảng Trị, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết đi lên Tân Sở. Thành Tân Sở được xây dựng từ 2 năm nay ở phía trong thành Cam Lộ, về hướng biên giới Lào-Việt, sau một cái đèo hiểm trở. Nhưng ở đây không phải là một địa bàn để hoạt động vì đất quá nghèo, dân quá ít. Ở Tân Sở nếu quân Pháp chiếm đóng Cam Lộ, Tân Sở sẽ trở thành cái rọ mà cửa đã đóng rồi; ra biển, lên Lào, đi Nam, đi Bắc đều bất tiện. Thành Tân Sở có mấy vòng thành liên tiếp bao bọc một số lâu đài kho lẫm, trại lính, có đủ thóc, muối, súng, đạn, châu báu; nhưng vách thành Huế kia còn không đứng vững thì nếu ở đây, sao khỏi bị bắt một ngày nào?""Vậy cho nên, ông Thuyết ra lệnh bỏ Tân Sở mà lên Quảng Bình, nhưng đi đến Thụy Ba thì được tin quân Pháp đã đổ lên nơi đó rồi, để ngăn không cho đoàn Hàm Nghi ra vùng Thanh - Nghệ-Tĩnh, là nơi mà hịch Cần Vương đã gây lên phong trào rất mạnh. Vua Hàm Nghi và ông Thuyết lộn về Tân Sở thì quân Pháp đã chiếm thành Cam Lộ. Ông Thuyết cùng vua đành phải vội vã rời Tân Sở đi đường núi, ra phía Bắc, bỏ lại vô số của cải, kho tàng, báu vật, và quân Pháp tràn đến cướp liền…"[17].

Song theo quan điểm của Đỗ Bang, thì:

"Tân Sở tuy không phải là vị trí tối ưu nhưng lại là nơi có nhiều lợi thế so với các địa điểm khác. Bởi vì Tân Sở ở gần Kinh đô Huế, lúc thiên đô cũng nhanh, khi lực lượng phát triển, làm chủ được tình thế tiến về giải phóng Kinh thành Huế cũng tiện, lại an toàn hơn so với Nam KỳBắc Kỳ là nơi Pháp đã tấn công và thực hiện chính sách cai trị. Nơi đây, sau gần mười năm làm Tri huyện, Nguyễn Văn Tường cũng đã hiểu được thế đất, lòng người; đặc biệt là chính sách thu phục các dân tộc thiểu số của triều đình Huế mà Nguyễn Văn Tường có nhiều đóng góp xuất sắc. Vào thời điểm thiên đô ra Tân Sở (5 tháng 7 năm 1885), hạm đội Pháp có mặt ở Đà NẵngĐồng Hới để chờ bắt sống vua Hàm Nghi và phe chủ chiến, thì con đường thượng đạo từ Tân Sở lên Lào để ra Bắc, vào Nam là sinh lộ duy nhất của triều đình kháng chiến nhằm duy trì hoạt động yêu nước trong các bản làng, liên thông với hệ thống Sơn phòng được xây dựng khắp các tỉnh miền Trung để phát động phong trào Cần Vương, cứu nước. Tuy không hoàn hảo, nhưng Tân Sở vẫn là giải pháp khả thi nhất"[18].